Bộ Công an đề xuất tăng phạt tiền gấp 20 lần với nhiều vi phạm PCCC

Bộ Công an đề xuất tăng mức xử phạt tiền lên gấp 20 lần so với hiện hành đối với một số hành vi vi phạm về PCCC và cứu nạn, cứu hộ.

Dự thảo Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC và cứu nạn, cứu hộ (thay thế Nghị định 144/2021) đang được Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định.

Theo Bộ Công an (cơ quan chủ trì soạn thảo), trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2024, lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ đã xử lý 269.000 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt trên 1.079 tỷ đồng.

Trong đó, 3 năm (2022-2024), các lực lượng chức năng đã xử lý trên 112.700 vụ vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 512 tỷ đồng.

Thống kê còn cho thấy, từ năm 2022 đến năm 2024, cả nước xảy ra gần 10.800 vụ cháy, làm chết 356 người, 284 người bị thương, thiệt hại sơ bộ thành tiền gần 2.200 tỷ đồng.

Về loại hình xảy ra cháy, theo Bộ Công an, nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh xảy ra cháy nhiều nhất với 3.700 vụ (chiếm trên 34%); kho, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên 1.200 vụ (11,5%); còn lại là cháy phương tiện giao thông (880 vụ), cháy nhà chung cư (150 vụ) và cháy chợ (67 vụ)…

Tổng hợp kết quả điều tra, giải quyết vụ cháy của công an cho thấy số vụ cháy xảy ra tại nhà dân, khu công nghiệp, nhà máy sản xuất, cơ sở dịch vụ về cơ bản đều liên quan đến vi phạm quy định về PCCC và cứu nạn, cứu hộ.

Trong đó có một số vụ cháy xảy ra do lỗi vi phạm quy định về PCCC và cứu nạn, cứu hộ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người: Vụ cháy ngày 6/9/2022 tại quán karaoke An Phú (TP Thuận An, Bình Dương) làm 33 người chết; vụ cháy ngày 12/9/2023 tại chung cư mini 29/70 phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội) khiến 56 người chết.

Vi phạm quy định về PCCC và cứu nạn, cứu hộ còn phổ biến do ý thức, trách nhiệm của một bộ phận người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, chủ phương tiện giao thông trong chấp hành quy định pháp luật, theo đánh giá của cơ quan soạn thảo.

Bộ Công an nêu thực tế, mức thu nhập trung bình của người dân từ năm 2015 đến 2024 tăng mạnh, từ 2.109 USD/người lên 4.700 USD/người, nhưng mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực PCCC gần như không thay đổi.

"Chế tài xử phạt đã không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội, chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa vi phạm pháp luật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ", Bộ Công an cho hay.

Do đó, tại dự thảo nêu trên, Bộ Công an đề xuất nâng mức xử phạt tiền đối với một số hành vi đến 20 lần so với Nghị định số 144, có một số hành vi phạt tiền tối đa theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Các vi phạm được đề xuất tăng mạnh phạt tiền liên quan đến sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; vi phạm trang bị, lắp đặt, sử dụng, bảo dưỡng phương tiện, thiết bị PCCC và cứu nạn, cứu hộ; thành lập và duy trì Đội PCCC và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, Đội PCCC và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành; hành vi liên quan đến cháy lan, lối thoát nạn; hành vi liên quan đến không tự kiểm tra về PCCC...

Đơn cử, Bộ Công an đề xuất phạt tiền từ 4-6 triệu đồng đối với hành vi không duy trì nội quy, biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn về PCCC, cứu nạn, cứu hộ đã được niêm yết.

Phạt tiền từ 6-8 triệu đồng đối với hành vi không ban hành hoặc không niêm yết nội quy PCCC, cứu nạn, cứu hộ.

Hành vi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt mà không bảo đảm khoảng cách an toàn về phòng cháy sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.

Hành vi lắp đặt, sử dụng dây dẫn điện, thiết bị điện, thiết bị đóng ngắt, bảo vệ không bảo đảm an toàn phòng cháy sẽ bị phạt tiền 6-8 triệu đồng.

Phạt tiền 40-50 triệu đồng đối với một trong những hành vi: Không có giải pháp ngăn cháy đối với khu vực sạc điện cho xe động cơ điện tập trung trong nhà; không có hệ thống điện phục vụ PCCC; không duy trì giải pháp ngăn cháy đối với khu vực sạc điện cho xe động cơ điện tập trung trong nhà.

Hành vi không lắp đặt hệ thống tiếp địa, chống sét cho nhà, công trình bị đề xuất phạt tiền từ 20-25 triệu đồng…

Dự thảo nêu rõ mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực PCCC và cứu nạn, cứu hộ đối với cá nhân đến 50 triệu đồng. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

"Cơ quan soạn thảo đề xuất nâng mức phạt tiền đối với nhóm hành vi vi phạm phổ biến nêu trên là đảm bảo tính pháp lý, phù hợp với sự phát triển, thu nhập của người dân, phù hợp với thông lệ quốc tế và tăng tính răn đe, phòng ngừa vi phạm", Bộ Công an cho hay.