Chợ, siêu thị, trung tâm thương mại luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao do hệ thống máy móc, lượng người tập trung số lượng lớn. Đặc biệt, sau khi hết giãn cách xã hội, các hoạt động tại chợ và trung tâm thương mại hoạt động trở lại. Các thiết bị không được kiểm tra, bảo dưỡng nhưng đưa vào hoạt động công suất cao ngay sẽ dẫn đến nguy cơ xảy cháy.
Mặc dù các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ là công trình được trang bị đầy đủ phương tiện, hệ thống PCCC, tuy nhiên không phải cứ như vậy là đã an toàn.
Sở dĩ, cháy nổ luôn tiềm ẩn, rình rập ở những nơi này đều có nguyên nhân cụ thể, trong đó sự chủ quan, lơ là của người dân, cơ sở quản lý chưa nghiêm túc.
Trong thời gian diễn biến Covid-19 phức tạp, các cơ sở nói trên bị dừng hoạt động trong thời gian dài. Hầu hết các hệ thống điện, máy móc đã “tạm nghỉ” không hoạt động.
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAH Gia Lâm dập tắt đám cháy tại cửa hàng quần áo tại chợ Ninh Hiệp
Sự gián đoạn này sẽ là cơ hội chuột tấn công thiết bị điện, đường dây dẫn điện máy móc. Những điểm hở dây điện do chuột cắn, hoặc tha rác vào các cỗ máy làm tổ, tuy nhiên trước khi bật máy hoạt động không kiểm tra, phát hiện, xử lý sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.
Ở các siêu thị, trung tâm thương mại còn phải nói đến các hệ thống máy bảo ôn, tủ đông lạnh cỡ lớn. Đây là loại thiết bị dễ chập cháy bởi nó luôn phải hoạt động trong trạng thái quá tải. Khi máy ngừng nghỉ, gián đoạn thời gian nhất định các tảng băng tan trong máy chảy vào các thiết bị sẽ làm ô xy hóa gây nên chập, cháy.
Theo tìm hiểu của PV, thời gian qua, do dịch Covid-19 phức tạp nên nhiều chủ hàng đã nghỉ, thay đổi người sử dụng.
Khi hoạt động trở lại, chủ mới đã cải tạo, sửa chữa, lắp đặt thiết bị theo yêu cầu cho gian hàng của mình. Trong khi thi công, việc hàn cắt, đấu nối điện công nhân không tuân thủ các quy đinh an toàn cháy, nổ, chủ cơ sở thiếu giám sát, che chắn không cẩn thận dẫn đến vảy hàn bắn vào các vật liệu dễ cháy.
“Nguy cơ cháy, nổ ở trung tâm thương mại, siêu thị thường có điểm tương đồng với ở chợ. Tuy nhiên, đối với chợ dân sinh, hoặc chợ xây dựng từ lâu đã xuống cấp sẽ tiểm ẩn nguy cơ cháy cao hơn. Bởi toàn bộ hệ thống trở nên sập xệ, xuống cấp hàng hóa sắp xếp thiếu nguyên tắc, hệ thống điện chằng chịt. Trong khi đó, trang thiết bị an toàn PCCC thiếu, hoặc thậm chí không có. Đối với trung tâm thương mại, siêu thị hệ thống báo cháy, phòng cháy, chữa cháy sẽ đầy đủ hơn, còn đối với chợ cũ thì thiếu những thiết bị này. Do đó, xảy cháy được phát hiện thường đã cháy lớn”- Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Phó trưởng CAQ Cầu Giấy phân tích.
Cũng theo chỉ huy CAQ Cầu Giấy, ở thời điểm những tháng cuối năm hầu hết số lượng hàng hóa đều được chủ cơ sở tập kết nhiều, thậm chí nhiều cửa hàng không chỉ kinh doanh còn làm kho chứa tại chợ. Không gian chật hẹp, lối thoát nạn bị bịt kín, dùng hệ thống chiếu sáng bóng sợi đốt, đấu nối điện tùy tiện là nguyên nhân dẫn đến cháy lớn, cháy lan.
Vụ cháy xảy ra đêm 18-9, tại shop quần áo ở chợ Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm đã gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Ngay sau khi xảy cháy, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAH Gia Lâm đã huy động phương tiện chữa cháy nhiều giờ mới khống chế được đám cháy. Nguyên nhân ban đầu được xác định do chập điện lửa bén vào quần áo dẫn đến cháy lan, cháy lớn.
Chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội cho biết, hiện nay, cả hệ thống chính trị đã và đang vào cuộc một cách đầy tích cực để có thể bảo vệ sức khỏe người dân trước sự đe dọa của “giặc lửa”.
Để làm được những điều đó, cần sự chủ động phòng ngừa của mọi người dân trong công tác PCCC và CNCH.
Cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH khuyến cáo, an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với chợ, trung tâm thương mại, siêu thị cần phải duy trì thường xuyên, liên tục với tinh thần trách nhiệm cao của người dân và chủ cơ sở, lực lượng chức năng.
Trong đó, tài sản, vật tư, chất cháy phải được bố trí, sắp xếp gọn gàng, không cản trở lối và đường thoát nạn, bảo đảm việc sơ tán người và tài sản nhanh chóng, an toàn khi xảy ra cháy; bố trí nơi để chìa khóa, dụng cụ phá dỡ thông thường (búa, rìu, xà beng, kìm cộng lực...) ở nơi dễ thấy, dễ lấy để kịp thời mở cửa khi có sự cố cháy, nổ.
Chợ và trung tâm thương mại là nơi không nên thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã, khi đun nấu.
Đối với các thiết bị điện phải thường xuyên tổ chức kiểm tra, sửa chữa, thay thế khi không đảm bảo an toàn.
Đường dây dẫn điện và các thiết bị điện hư hỏng phải được sửa chữa khắc phục ngay, hoặc ngắt nguồn điện đến đường điện hoặc thiết bị không an toàn. Khi sửa chữa, cải tạo phải sử dụng thợ hàn đã được cấp chứng chỉ về hàn cắt và giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy; quá trình thi công phải đảm bảo giải pháp ngăn cháy, có biện pháp che chắn không để vảy hàn tiếp xúc với các chất dễ cháy; chuẩn bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy và phải có người giám sát, sẵn sàng chữa cháy trong suốt quá trình hàn cắt và sau khi hàn cắt 30 phút.
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAH Hoài Đức tuyên truyền an toàn PCCC tại chợ
Đại tá Nguyễn Trường Sơn cho hay: “Lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở phải là người nắm bắt và chịu trách nhiệm công việc đảm bảo an toàn phòng cháy tại nơi làm việc.
Còn đối với những người phụ trách máy móc, kỹ thuật phải có trách nhiệm kiểm tra, thay thế bảo dưỡng, kịp thời phát hiện hư hỏng để thay thế tránh những hậu họa khôn lường khi hệ thống này hỏng hóc gây cháy, nổ thiệt hại về người và tài sản.
Đối với lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, để hạn chế cháy, nổ đơn vị phụ trách địa bàn đã thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền xử lý vi phạm.
Đồng thời có kế hoạch tập huấn, huấn luyện, diễn tập phương án tại các chợ, trung tâm thương mại để kiểm tra sự phối hợp, chủ động, sẵn sàng ứng trực của lực lượng cơ sở cũng như kiểm tra thiết bị PCCC tại cơ sở có hoạt động tốt hay không”.
Theo An Ninh Thủ Đô