Khuyến cáo an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong mùa mưa bão

Trong những cơn giông có mưa lớn, nhiều sấm sét, gió giật mạnh khiến gãy cành, đổ cây, tốc mái nhà… gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Đặc biệt mưa giông thường đến đột ngột không được dự báo trước và phần lớn xảy ra vào cuối ngày, chiều tối (thời gian cao điểm) lại càng khó khăn và nguy hiểm hơn. Ngoài ra, hệ thống và thiết bị điện ngoài trời sau thời gian nắng nóng liên tục, đặc biệt các mối nối dây quấn băng keo nên khi mùa mưa đến dễ bị hư hỏng lớp vỏ cách điện, dẫn đến tình trạng chạm, chập là một trong những nguyên nhân gây cháy điện.

Để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) cho người dân trong mùa mưa bão, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an tỉnh Thái Bình khuyến cáo một số biện pháp an toàn như sau:

1. An toàn trong sử dụng điện

- Khi có tin bão, giông, lốc, cần kiểm tra, bảo dưỡng lại dây dẫn điện bên trong nhà và dây dẫn điện từ bên ngoài vào nhà để tránh gió, lốc làm đứt rơi xuống gây tai nạn hoặc chạm chập gây cháy; gia cố lại mái che, nhà ở, đốn những cây cối cao gần cạnh nhà để phòng đổ, sập; không để chậu cây, vật dụng nguy hiểm… chênh vênh trên các lan can, tường cao.

- Các bảng điện tử quảng cáo ngoài trời phải đảm bảo các điều kiện an toàn về điện, đề phòng chạm, chập gây ra cháy khi có mưa, giông, gió mạnh.

- Các thiết bị điện trong nhà cần được lắp riêng biệt cho từng tầng, có bộ phận ngắt điện riêng; nhà, công trình tại những nơi thoát nước kém, nguy cơ ngập lụt cần lắp đường dây điện, ổ cắm cao trên 1,5m đề phòng bị ngập nước. Trường hợp nhà bị ngập nước mà không cắt được điện thì phải đứng trên các nơi chưa bị ngập, gọi điện hoặc kêu cứu để mọi người báo đơn vị điện lực quản lý cắt điện.

- Người hoặc chân tay bị ướt không được tiếp xúc với điện; các thiết bị điện bị ngấm nước, phải sấy khô trước được sử dụng. Khi thấy dây dẫn điện bị đứt, các thiết bị điện bị đổ hoặc thấy nguy cơ mất an toàn thì không lại gần và cảnh báo cho mọi người chung quanh, đồng thời báo cơ quan điện lực xử lý.

- Lắp đặt hệ thống chống sét cho nhà, công trình đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, định kỳ trước mùa mưa bão kiểm tra, đo điện trở tiếp địa của hệ thống chống sét.

- Mùa mưa bão cũng là mùa nắng nóng nhất trong năm, lượng điện tiêu thụ lớn, việc sử dụng điện cần tiết kiệm, tránh hiện tượng quá tải.

2. An toàn khi ra đường trong mưa giông, bão

- Cần chú ý quan sát các biển báo, chướng ngại vật trên đường để kịp thời xử lí các sự cố, tránh gây tai nạn. Quan sát đường đi của xe trước để có thể chủ động tránh những bất trắc mà xe trước đã gặp phải.

- Hạn chế đi trên cầu trong thời tiết mưa giông bởi càng trên cao, sức gió càng mạnh khiến bạn không thể làm chủ được tay lái. Nếu bắt buộc phải đi trên cầu, bạn nên di chuyển với tốc độ chậm và cố gắng ghì người xuống xe và hạ thấp đầu để tránh bị “gió tạt bay”. Không băng qua cầu, cống nước nếu nước đang dâng cao và chảy xiết.

- Mặc áo mưa sáng màu, gọn gàng, không sử dụng ô. Nên mặc áo mưa bộ giúp tiết diện cản gió thấp nhất, không lo bị tạt vạt áo mưa trong trường hợp gió to gây trở ngại trong việc điều chỉnh phương tiện giao thông.

- Luôn bật đèn xe, chú ý điều chỉnh tốc độ ổn định. Không nên bật đèn pha khi có xe chạy đối diện gây nguy hiểm cho cả hai khi lưu thông. Tuyệt đối không phóng nhanh, tránh sức gió đột ngột do thời tiết hoặc xe lớn ngược chiều.

- Không đi sát lề đường, vỉa hè và khu vực có các xe cỡ lớn di chuyển; lưu ý các vị trí khe hở, khoảng trống các tòa nhà, ngã tư gió sẽ lớn hơn các khu vực khác; hạn chế đi các tuyến đường có công trường thi công nhiều tấm tôn, thép lớn hoặc tuyến đường có nhiều cây lớn và đặc biệt không trú mưa dưới các gốc cây vì mưa giông thường kèm theo hiện tượng sét.

Khi xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố gọi ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH chuyên nghiệp theo số điện thoại 114 hoặc sử dụng ứng dụng “Báo cháy 114” trên điện thoại thông minh để được trợ giúp./.