Ngày 4.4, dư luận xôn xao trước thông tin về vụ hỏa hoạn xảy ra trên phố Tôn Đức Thắng (Đống Đa, Hà Nội), cướp đi sinh mạng 4 người trong cùng 1 gia đình, trong đó có 1 phụ nữ đang mang thai. Trước đó, tại TPHCM cũng liên tiếp xảy ra 2 vụ cháy lớn vào ngày 25.3 và 30.3, khiến 9 người tử vong.
PV Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trung Nguyên để phân tích rõ hơn về nguyên nhân có thể gây tử vong trong đám cháy, cũng như khuyến cáo đến người dân kỹ năng thoát hiểm.
Thưa bác sĩ, thời gian qua xảy ra liên tiếp xảy ra những vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng. Vậy theo ông, những nguyên nhân có thể gây tử vong trong các đám cháy là gì?
- Về nguyên nhân tử vong của các nạn nhân trong đám cháy, có 2 nhóm nguyên nhân chính. Thứ nhất là các chấn thương do bỏng. Những vết bỏng này không chỉ đến từ lửa trên cơ thể người mà là tình trạng bỏng đường hô hấp do hít phải hơi nóng từ hiện trường vào phổi. Nhóm nguyên nhân thứ 2 phổ biến hơn rất nhiều, đó là tử vong do ngạt khí hoặc nhiễm độc.
Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên phân tích nguyên nhân dẫn đến tử vong trong các vụ cháy.
Có nhiều phân tích cho rằng người chết ngạt do khói đặc, khí độc trong hỏa hoạn nhiều hơn so với người chết cháy hoặc những nguyên nhân khác. Trong một số vụ hỏa hoạn, người bị “chết cháy” trên thực tế là nhiễm độc trước khi bị ngọn lửa trực tiếp tấn công? Điều này có đúng không, ông có thể giải thích thêm hiện tượng này?
- Đúng là như vậy. Hiện nay, do sự phát triển của khoa học công nghệ, nhiều nguyên vật liệu được sử dụng trong xây dựng và đời sống hàng ngày khi cháy có thể tạo ra nhiều khí độc hơn, gây tổn thương đường hô hấp.
Khi bệnh nhân hít phải khí độc có thể dẫn đến rối loạn tri giác, mất định hướng, thậm chí bất tỉnh dẫn đến tình trạng không thể kiểm soát, không thể có các phản xạ bảo vệ bản thân. Đồng thời, khi các khí độc tác động trực tiếp đến cơ thể, sẽ dẫn đến tử vong nhanh.
Vậy theo ông, thời điểm vàng để cấp cứu nạn nhân các vụ cháy là bao lâu, những mốc thời gian một người bình thường có thể sống sót trong tai nạn cháy?
- Để xác định thời gian vàng cấp cứu nạn nhân trong các vụ cháy là rất khó, bởi điều này phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện như không gian, mức độ cháy, các nguyên vật liệu cháy bên trong, nồng độ khí độc và nhiệt độ nóng.
Tuy nhiên, mạng sống của nạn nhân trong các tai nạn cháy chỉ tính bằng phút. Do sự tấn công dồn dập từ các khí độc, cơ thể suy sụp và tử vong nhanh chóng tại chỗ.
Nếu chỉ được tính bằng phút thì quả thật cơ hội sống của các nạn nhân trong đám cháy là rất mong manh. Vậy ông có thể cho biết những đối tượng nào dễ bị nhiễm độc nhất?
- Trong các vụ cháy, những đối tượng dễ bị chấn thương và nhiễm độc nhất là trẻ em, người cao tuổi, những người đang ngủ hoặc, người thường xuyên sử dụng các loại thuốc làm ảnh hưởng thần kinh hoặc dùng các chất kích thích như rượu, ma túy. Khả năng chống đỡ, phán đoán và bảo vệ bản thân của những đối tượng này trong đám cháy bị suy giảm.
Khuyến cáo người dân những kỹ năng đề phòng khí độc và thoát hiểm trong hoả hoạn như thế nào, thưa bác sĩ?
- Điều đơn giản nhất mà chúng ta có thể áp dụng được khi gặp hỏa hoạn, đó là sử dụng những vật dụng quen thuộc như khăn, các mảnh vải, hoặc có thể là chính quần áo thấm ướt đặt lên mũi để cản các khí độc tác động tới đường hô hấp.
Bên cạnh đó, nạn nhân cũng nên cố gắng tìm những nguồn không khí sạch, có nghĩa là nên cố gắng chạy ngược lại với dòng khí độc và hơi nóng. Nếu đi xuôi theo dòng không khí thì lượng khí độc sẽ đi theo và tác động tới cơ thể.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: laodong.vn