Chợ Đông Hà có quy mô công trình và năng lực kinh doanh hàng hóa lớn. Toàn chợ có 5 ngôi nhà xây dựng kiên cố và 10 nhà làm bằng khung sắt, mái tôn, chia làm 5 khu vực kinh doanh, buôn bán. Với việc tập trung nhiều loại hàng hóa, trong đó có nhiều mặt hàng dễ cháy nên nguy cơ xảy ra cháy nổ luôn tiềm ẩn.
Bà Nguyễn Thị Thu Thanh, Phó trưởng Ban quản lý chợ Đông Hà chia sẻ: Để đảm bảo hoạt động kinh doanh, ban quản lý luôn quan tâm, chú trọng đến công tác PCCC. Cùng với việc chủ động lập hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC theo quy định, ban thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC cho cán bộ, công nhân viên, các hộ kinh doanh, buôn bán; tuyên truyền, vận động mỗi hộ kinh doanh, hộ gia đình phải có ít nhất 1 người được tập huấn kỹ năng chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, mỗi hộ kinh doanh trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy theo Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, lực lượng PCCC cơ sở chợ Đông Hà thường xuyên được tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC; thực tập phương án chữa cháy, CNCH theo quy định và luôn trong tinh thần sẵn sàng thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Kiểm tra an toàn PCCC và CNCH các chợ trên địa bàn là một trong những biện pháp được Công an tỉnh triển khai nhằm nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, đồng thời thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2023 của Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới.
Công tác kiểm tra chú trọng vào các nội dung: hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC, CNCH; thực tế năng lực PCCC và CNCH của lực lượng PCCC tại chỗ như việc sắp xếp hàng hóa tại các lối đi, lối thoát nạn, các giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan, cứu người thoát nạn; quản lý, sử dụng các phương tiện, dụng cụ chữa cháy tại chỗ và hệ thống PCCC, nguồn nước, giao thông phục vụ chữa cháy...
Qua nhiều đợt kiểm tra tại các chợ trên địa bàn tỉnh cho thấy hầu hết đã đáp ứng đúng và đầy đủ điều kiện an toàn về PCCC theo quy định. Ban quản lý các chợ có sự quan tâm, chú trọng đến công tác PCCC, chủ động thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PCCC tại cơ sở; trang bị phương tiện PCCC như: hệ thống chữa cháy trong và ngoài nhà, bình chữa cháy xách tay, hệ thống báo cháy tự động.
Tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng PCCC cơ sở; trang bị phương tiện PCCC và CNCH; làm tốt công tác tự kiểm tra an toàn PCCC tại cơ sở; thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở hộ kinh doanh chấp hành quy định về PCCC; cam kết đảm bảo an toàn PCCC và CNCH giữa hộ kinh doanh với ban quản lý chợ.
Thượng tá Nguyễn Tiến Lợi, Phó trưởng phòng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh cho biết: Mặc dù UBND các cấp, ban quản lý các chợ luôn quan tâm, đầu tư cho PCCC nhưng công tác này vẫn gặp một số khó khăn.
Cụ thể là do một số chợ được xây dựng từ lâu đời, hệ thống PCCC xuống cấp, nguồn nước và giao thông phục vụ chữa cháy còn nhiều hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu PCCC trong tình hình hiện nay. Bên cạnh đó vẫn còn một số ít tiểu thương chưa thực sự coi trọng công tác PCCC để bảo vệ tài sản cá nhân và những hộ kinh doanh khác...
Việc tăng cường công tác kiểm tra PCCC và CNCH các chợ trên địa bàn góp phần nâng cao năng lực PCCC, chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại do cháy, nổ gây ra, nhất là trong thời điểm chuẩn bị bước vào cao điểm nắng nóng.