Nhà ống cần có hai lối thoát nạn

Để hạn chế thiệt hại cháy nổ với nhà ống, chủ nhà cần bố trí tối thiểu một lối ra và lối thoát nạn là hành lang, cầu thang bộ, theo dự thảo Tiêu chuẩn nhà ở riêng lẻ.

Ngày 15/6, ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), cho biết Bộ đã hoàn thiện dự thảo Tiêu chuẩn nhà ở riêng lẻ - Yêu cầu chung về thiết kế. Hiện dự thảo được Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và sẽ ban hành trong năm nay. Bộ tiêu chuẩn sẽ góp phần giải quyết bất cập phòng cháy chữa cháy với nhà ở đô thị.

Các tiêu chuẩn không mang tính bắt buộc mà khuyến nghị áp dụng cho các công trình nhà ở nhiều căn hộ, nhà dưới 7 tầng xây mới (chiều cao dưới 25 m), hoặc cải tạo, chuyển đổi công năng, thay đổi mục đích sử dụng, kinh doanh hỗn hợp.

Cụ thể, với nhà ở không kinh doanh, chủ nhà cần bố trí tối thiểu một lối ra thoát nạn (cửa ra) và đường thoát nạn (gồm hành lang, cầu thang bộ, buồng thang bộ) để toàn bộ người trong nhà thoát được ra bên ngoài hoặc sang nhà liền kề. Cửa cần mở được từ bên trong dễ dàng, nhanh chóng. Các cửa vận hành bằng điện cần mở được nhanh chóng ngay cả khi mất điện. Nếu sử dụng thang có độ cao từ 10 m trở lên, chủ nhà cần có lồng bảo vệ an toàn khi thoát nạn.

Các gia đình cần trang bị dụng cụ phá dỡ tại gần vị trí lối ra thoát nạn hoặc lối ra khẩn cấp của nhà để nhanh chóng mở được các cửa khi cần thiết.

Tầng hầm hoặc nửa hầm có diện tích lớn hơn 300 m2 hoặc có số người sử dụng trên 15 cần bố trí hai lối ra thoát nạn; có thể sử dụng các lối ra bên ngoài trực tiếp từ đường dốc của tầng hầm hoặc nửa hầm.

 

Chiều rộng thông thủy của lối thoát nạn tối thiểu 0,8 m, cao tối thiểu 1,9 m. Lối thoát nạn tại tầng một cần thoát trực tiếp ra ngoài, trường hợp thoát qua gian phòng khác phải duy trì chiều rộng lối đi và có giải pháp ngăn cháy từ các vật dụng, thiết bị dễ cháy nổ, nguồn lửa, nguồn nhiệt (ôtô, xe máy...).

Trường hợp không thể bố trí lối thoát nạn riêng hoặc lối ra phụ ở tầng một, các gia đình cần có khu vực lánh nạn tạm thời ở ban công hoặc lô gia được ngăn cách với gian phòng phía trong bằng mảng tường đặc không cháy hoặc cháy yếu.

Nhà cao từ 10 m trở lên cần bố trí thêm một lối lên sân thượng, lên mái qua thang cố định. Sân thượng phải bố trí thông thoáng, đảm bảo yêu cầu thoát người khi có sự cố, bố trí khóa cửa thì phải dễ mở từ bên trong.

Với nhà ống kết hợp kinh doanh, nếu nhà cao 2 tầng, số người tại tầng 2 không quá 50, chủ nhà cần bố trí tối thiểu một lối ra thoát nạn từ tầng 2 qua cầu thang bộ. Nhà từ 3 tầng trở lên cần có tối thiểu hai lối ra thoát nạn từ mỗi tầng.

Nếu trong nhà bố trí khu vực có nguy cơ phát sinh cháy cao (khu để ôtô, môtô, xe gắn máy, xe điện, hay hàng hóa, đồ đạc bằng chất hoặc vật liệu dễ bắt cháy...) ở tầng một/trệt, nơi có lối ra thoát nạn của nhà thì phải có giải pháp ngăn cháy khu vực này với lối ra thoát nạn.

Ngạt khói là nguyên nhân chính gây tử vong trong các vụ hỏa hoạn. Do vậy, Bộ Xây dựng khuyến cáo không được xây bít ô thông tầng để không ảnh hưởng đến thoát khói tự nhiên. Đối với nhà không có các ô thông tầng hoặc đã lắp kính cần thiết kế, lắp đặt các lỗ cửa thoát khói trong nhà thông qua mái, hoặc thoát khói trực tiếp ra bên ngoài tại các tầng.

Về phương tiện chữa cháy, ở mỗi tầng, các gia đình nên có tối thiểu một bình chữa cháy, đặt ở nơi dễ thấy và thuận tiện cho việc sử dụng; khuyến khích trang bị hệ thống báo cháy tự động hoặc báo cháy cục bộ, phương tiện cứu nạn, cứu hộ, bảo hộ chống khói, dụng cụ phá dỡ thô sơ...

Ngoài các tiêu chuẩn trên, ông Bùi Xuân Thái, chuyên gia Hiệp hội Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Việt Nam, cho rằng cần có thêm giải pháp khác như kiểm soát nguồn cháy. Vì cháy do sự cố thiết bị điện chiếm đến 75% tổng số vụ cháy nhà, công trình. Ở thành phố lớn như Hà Nội, chập điện là nguyên nhân của hầu hết vụ hỏa hoạn.

Do đó, theo ông Thái, các hộ dân cần loại bỏ hoặc giảm thiểu nguy cơ phát sinh cháy từ hệ thống điện và sử dụng điện, chú ý các khu vực để xe máy hoặc sạc xe điện trong nhà. Khu vực để phương tiện nên được ngăn cách riêng với khu vực khác trong nhà. Vật tư, phụ tùng của hệ thống điện phải đảm bảo chất lượng.

Do diện tích chật hẹp, nhà ống trở thành lựa chọn tối ưu tại các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM. Theo thống kê, Hà Nội có khoảng 70% nhà ở dạng ống, với ba mặt tường kín, chỉ có mặt trước là cửa ra vào và cửa ra ban công, cửa sổ ở tầng trên. Sợ trộm đột nhập, nhiều gia đình dựng khung sắt bao kín ban công, tầng tum. Đây là một trong những lý do khiến thiệt hại ở những ngôi nhà ống cao hơn so với nhà bình thường khi xảy ra cháy nổ.