Việc siết chặt công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) thời gian gần đây, khiến nhiều DN và hộ kinh doanh gặp khó khăn, nhưng những vụ cháy gây thiệt hại về người và tài sản đã liên tiếp xảy ra.
Do đó, nhiều ý kiến cho rằng ngoài tăng cường kiểm tra, xử lý cần tiếp tục siết chặt công tác PCCC tại các công trình xây dựng nhà ở ngay từ thời điểm nghiệm thu để đưa vào sử dụng.
Những con số đau lòng
Thời gian gần đây liên tiếp các vụ cháy xảy ra trên địa bàn Thủ đô Hà Nội và cả nước, không chỉ gây thiệt hại lớn về tài sản mà còn cướp đi mạng sống của nhiều người dân.
Vào rạng sáng 17/5, vụ cháy lớn xảy ra tại số nhà 44 ngõ 125 Vĩnh Phúc (Ba Đình, Hà Nội), 5 thành viên trong gia đình may mắn thoát nạn khi kịp thời leo từ ban công sang nhà bên cạnh thoát thân; trước đó ngày 15/5, 7 căn nhà dùng làm kho xưởng cạnh khu ký túc xã sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai) bị thiêu rụi do hỏa hoạn; nhưng không may mắn như những trường hợp trên, vụ cháy ở số nhà 24 Thành Công (quận Hà Đông) ngày 13/5 không chỉ gây thiệt hại về tài sản, mà còn cướp đi mạng sống của 4 người trong một gia đình.
Bên cạnh đó, hàng loạt những vụ cháy lớn tại công trình kinh doanh, sản xuất, như: cháy ở quán bar số 144 Văn Cao (TP Hải Phòng) làm 4 người chết; cháy ở chung cư HH3C - Khu đô thị Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội), chung cư Goldmark City (Bắc Từ Liêm, Hà Nội); vụ cháy Công ty Cổ phần Kim Long (Kiến An, Hải Phòng); kho gỗ trong Khu công nghiệp Thanh Oai (Hà Nội); hay vụ cháy ở Công ty cổ phần Tập đoàn Hồng Lạc (TP Hải Dương); Công ty TNHH Sản xuất TMDV Đại Thành (Vĩnh Long)...
Những vụ cháy nêu trên gây thiệt hại về tài sản và con người ở mức độ khác nhau, nhưng tiếp tục là lời cảnh tỉnh đối với cả người dân, cũng như cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề bảo đảm an toàn PCCC và việc siết chặt công tác kiểm tra, xử lý, thẩm định, nghiệm thu PCCC.
Theo số liệu báo cáo từ Cục Cảnh sát PCCC và CHCN (Bộ Công an), năm 2022 cả nước đã xảy ra hơn 1.700 vụ cháy, nổ làm tử vong hơn 100 người, mặc dù số vụ giảm so với những năm trước, tuy nhiên số người tử vong lại gia tăng và có những vụ việc hết sức nghiêm trọng, thương tâm.
Quý I/2023, cả nước xảy ra 405 vụ cháy làm chết 16 người, bị thương 11 người, về tài sản ước tính sơ bộ thành tiền khoảng 22,44 tỷ đồng, giảm về số vụ, nhưng tăng số người chết so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, một số địa phương nằm trong nhóm nguy cơ cao: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Đồng Nai, Bình Dương, Đắk Lắk...
Thông tin từ Phòng Cảnh sát PCCC và CHCN (Công an TP Hà Nội), giai đoạn 2013 - 2023, trên địa bàn Thủ đô xảy ra 4.747 vụ cháy nổ; làm chết 154 người, bị thương 242 người, tài sản thiệt hại ước tính 1.401 tỷ đồng và khoảng 135ha rừng.
Địa bàn xảy ra cháy tập trung nhiều ở các quận nội thành với 2.983 vụ, (chiếm 63,03%) chủ yếu ở thành phần kinh tế tư nhân (nhà kho, xưởng sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ…) và hộ gia đình (nhà dân đơn lẻ, chung cư cao tầng, khu tập thể).
Những vụ cháy gây thiệt hại về người đều xảy ra ở những trường hợp coi trọng “chống trộm hơn chống cháy” khi các gia đình lắp đặt “chuồng cọp” kiên cố chống trộm và không thiết kế cửa thoát hiểm, trong nhà chỉ có đường thoát hiểm duy nhất là cầu thang, khi có cháy xảy ra lực lương cứu hộ phải mất rất nhiều thời gian cắt nên không kịp thời trong công tác cứu nạn.
“Xu hướng phòng trộm mà quên phòng cháy diễn ra ở hầu khắp các dạng nhà. Những nhà dạng ống gần như chỉ có cầu thang trong nhà là lối thoát hiểm duy nhất. Tuy nhiên, khi có cháy, lối thoát này đã bị khói, lửa chặn.
Với phương thức tối ưu của lực lượng PCCC là phải cắt dỡ những lồng sắt để mở đường cứu nạn, thời gian cắt khá lâu dẫn tới không kịp cứu người. Do đó, những lồng sắt càng được gia công kiên cố thì nguy cơ thiệt hại về người và tài sản càng lớn bởi đường thoát nạn đã bị bịt kín” - Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) phân tích.
Kiện toàn quy định, siết chặt thực thi
Theo đánh giá, Nghị định 136/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 79/2014/NĐ-CP thi hành Luật PCCC đã siết chặt hơn công tác kiểm tra, xử lý hồ sơ PCCC ở các công trình xây dựng, trong đó không ít nội dung gây ra nhiều khó khăn cho người dân, DN.
Nhiều công trình được duyệt hồ sơ xây dựng trước khi Nghị định 136 có hiệu lực, đến nay đưa vào sử dụng thì không được nghiệm thu theo quy định tại Nghị định mới, trong khi vẫn chưa có Thông tư hướng dẫn thi hành.
Trước tình trạng nguy cơ hỏa hoạn vẫn luôn rình rập, đe dọa an toàn và tính mạng người dân tại nhiều khu vực. Đầu tháng 1/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới.
Trước đó, Bộ Xây dựng cũng có văn bản số 4253 gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư về việc tăng cường kiểm soát công tác thẩm định, cấp phép xây dựng đối với công trình thuộc đối tượng thẩm duyệt PCCC.
“Trong khi chờ sửa đổi các văn bản pháp luật, cần có giải pháp linh hoạt để khắc phục ngay công tác bảo đảm an toàn PCCC. Đối với TP Hà Nội, sẽ nghiên cứu, đề xuất quy định kiểm tra, xử lý vi phạm điện sau công tơ, quy định việc dừng, giảm cấp điện đối với công trình, dự án vi phạm PCCC đã bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động.
Toàn hệ thống chính trị cần đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, rõ ràng, địa bàn nào có nguy cơ cháy cao thì lãnh đạo cơ sở phải vào cuộc quyết liệt và chịu trách nhiệm với TP nếu để xảy ra cháy, nổ nghiêm trọng” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho hay.
Theo chuyên gia về quy hoạch đô thị - Thạc sĩ Trần Thanh Ý, có thể kể ra nhiều nguyên nhân và vi phạm trong việc tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC cho công trình xây dựng.
Ngoài những vi phạm do chưa tuân thủ quy định ngay từ khâu thiết kế cũng như việc kiểm tra, thanh tra, giám sát trong quá trình xây dựng, đưa công trình vào khai thác sử dụng thì những vấn đề về nhận thức và trách nhiệm của người dân trong việc chủ động thực hiện tốt công tác PCCC chưa đầy đủ cũng là một hạn chế lớn.
“Vì vậy để quản lý tốt công tác này cần thiết phải sớm điều chỉnh hệ thống tiêu chuẩn - quy chuẩn đáp ứng với sự phát triển nhanh của lĩnh vực xây dựng, phát triển đô thị.
Các giải pháp nên theo hướng sử dụng công nghệ hiện đại để giải quyết tốt những yếu tố bất lợi trong việc thoát nạn, cứu người trong nhà cao tầng. Rà soát lại những quy định việc quy hoạch, xây dựng, bố trí điều kiện chữa cháy (giao thông, nguồn nước, trụ nước, phương tiện...), tăng cường khả năng tiếp cận của phương tiện cứu hỏa, cứu nạn, đáp ứng yêu cầu chữa cháy” - Thạc sĩ Trần Thanh Ý nhìn nhận.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng cho rằng, cần xây dựng một số tiêu chuẩn, tài liệu hướng dẫn cho nhóm các vấn đề để tiện tra cứu, dễ áp dụng cho những loại hình công trình có tính chất đặc thù như nhà cao tầng, bệnh viện, cơ sở giáo dục tư nhân; tăng cường công tác thẩm duyệt thiết kế, nâng cao năng lực, tuyên truyền về công tác PCCC cho các cấp chính quyền và người dân; chú trọng đầu tư hệ thống PCCC tại chỗ; tăng cường biện pháp chế tài đối với công trình vi phạm yêu cầu an toàn PCCC đặc biệt là thực hiện quy định trong công tác quy hoạch, xây dựng, thẩm định, nghiệm thu công trình.
Ngoài ra, người dân cũng cần có ý thức hơn đến bảo đảm an toàn PCCC khi thiết kế lắp đặt hạng mục phục vụ sinh hoạt, kinh doanh: biển quảng cáo, chuồng cọp chống trộm... và từ bỏ những thói quen xấu trong sinh hoạt có nguy cơ xảy ra cháy nổ.